Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc “Từ Đó Em Buồn” (Trần Thiện Thanh) - Dựa trên câu chuyện có thật về 10 năm tình đầu của cô bạn thời Trung học của nhạc sĩ _ HCNX

Từ biệt nhau đi, giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời

Trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi, nước mắt chia đôi đời

Đó là những câu hát trong bài Từ Đó Em Buồn, một sáng tác có tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Về hoàn cảnh sáng tác của bài hát này, sinh thời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từng kể lại như sau: 

Hồi xưa, ông học Trung học ở Phan Thiết. Ông có cô bạn cùng lớp. Cô này có bà chị rất xinh đẹp. Giai nhân thành phố biển có người yêu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Chàng hứa hẹn hai năm sau sẽ về cưới nàng làm vợ. 

Nàng chờ đợi người tình suốt 10 năm, nhưng bóng hình người yêu vẫn biệt vô âm tín. Một hôm, nàng nhận được tin khủng khiếp, anh ta đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm. Tin tức như sét đánh bên tai, nàng đau khổ vô cùng. 

Bao năm qua, người đẹp thương yêu, nhung nhớ, đợi chờ người tình hồi hương. Trong phút chốc, hy vọng, mong đợi mòn mỏi của má hồng đã trở thành mây khói…

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Khi kể xong câu chuyện, ông cảm thánLiệu tình yêu trai gái kia, liệu nỗi buồn của người đẹp, liệu sự chờ đợi của giai nhân với anh chàng tập kết kia, có đặt đúng chỗ hay không?” 

Nhưng hỏi cũng chỉ là để bâng quơ thế thôi, chứ câu trả lời cho những câu hỏi đó của mình, có lẽ nhạc sĩ biết rõ rằng sẽ không có. Bưởi vì tình yêu trong cuộc đời này vốn dĩ là những điều rất khó để nói - có những điều nếu như bình thường không ai nghĩ rằng nó sẽ xảy ra, nhưng nếu đặt những điều đó vào ngữ cảnh của tình yêu thì lại hoàn toàn có thể: 

Từ biệt nhau đi, giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời

Trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi, nước mắt chia đôi đời

Bóng anh khuất sau đồi, lúc mây tím giăng trời

Lúc giông tố tơi bời, lúc đường đời ngăn đôi

Tình mình chia phôi nhưng tình đầu làm sao vơi

Nên từ đó em buồn

Khi tình yêu vừa “mới thành lời”, “giữa mùa trăng xẻ đôi” ấy, chàng trai đã từ biệt người con gái mình yêu để rời đi. Họ, trong giờ phút chia ly không ai muốn ấy đã vô cùng lưu luyến, vô cùng không nỡ mà “trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi, nước mắt chia đôi đời”. Rồi anh bước đi, cô còn ở lại mà mãi trông theo bóng dáng ấy đang dần “khuất sau đồi, lúc mây tím giăng trời, lúc giông tố tơi bời, lúc đường đời ngăn đôi”. Tình yêu, vừa mới tìm đến cứ như vậy đã vội rời đi “chia phôi” hay con người bằng hai con đường ngược hướng nhau. Nhưng hỡi ôi, tình đầu thì đến bao giờ mới có thể vơi đi niềm nhung nhớ, vơi đi nỗi buồn cách xa vời vợi bây giờ? Và cũng không thể nào vơi đi tình yêu “nên từ đó em buồn”.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Thanh Lan

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Thanh Lan

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Hương Lan

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Hương Lan

Cô nhớ, luôn luôn nhớ đến lời hứa của anh lúc hai người “tạ từ”, rằng “đến tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề” - về để mà hoàn thành ước mơ, hoàn thành thề ước của tình yêu mà hai người đã có cùng nhau, để cho cô một cuộc sống đôi lứa hạnh phúc chỉ có hai người. Thế nhưng, dường như lời hứa đó anh đã quên đi tự lúc nào. Ngày ngày, tháng tháng cứ trôi qua nhanh như chớp mắt, “thấm thoát đã mười đông”, đã 10 mùa giá lạnh cô phải sống trong nỗi buồn, nỗi cô đơn mà anh thì vẫn “bặt vô âm tín”. Nhưng cô cũng không thể nào buông xuôi mối tình ấy, cô nhớ anh, “nhớ vô vàng, nhớ anh nhớ muôn ngàn”, cô nhớ đến “bao lần mắt nhòe lệ đêm mơ”. Nhưng dù cho có “lệ nhòa đêm mơ” thì cô vẫn nguyện đợi chờ anh, đợi chờ đến lúc “người về lau khô” đi dòng nước mắt đang rơi ấy, đợi để nhìn thấy niềm hạnh phúc cuối đường của cuộc đời cô vẫn luôn tin. Nhưng vì ngày đó vẫn chưa thể đến được “nên từ đó em buồn”

Tạ từ anh hứa đến tròn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề

Xuân qua hè tới, thấm thoát đã mười đông không tin thư đưa về

Nhớ anh, nhớ vô vàng, nhớ anh nhớ muôn ngàn

Nhớ anh đã bao lần mắt nhòe lệ đêm mơ

Lệ nhòa đêm mơ, mong đợi người về lau khô

Nên từ đó em buồn

Nỗi buồn ấy, là nỗi buồn từ khi cô và anh, không còn nữa những “đêm hẹn xưa tha thiết gọi tên nhau”, không còn nữa những đêm “trăng ngày xưa lưu luyến soi đôi đầu”. Cô vẫn nơi đây, vẫn vẹn nguyên mối tình dành trao riêng anh, nhưng người xưa thì đang mãi lạc bước nơi chốn nào, để cho cô cứ mãi u buồn, mãi nhớ mong đến cồn cào tâm trí - “Gương xưa còn đó nhưng bóng hình nào thấy đâu/ Áo xưa còn đó nhưng mùi hương phai nhạt rồi” - Cô chờ, cô đợi, đến hao mòn cả tâm trí, đến phai mờ cả thanh xuân, nhưng vẫn không thể nào thấy được một tia sáng nào từ phía con đường mà ngày xưa anh đã bước đi, nên từ đó, cô “nghe trong lòng, nghe trong lòng mưa gió từng đêm”.

Từ đó đâu còn nữa, đêm hẹn xưa tha thiết gọi tên nhau

Từ đó đâu còn nữa, trăng ngày xưa lưu luyến soi đôi đầu

Gương xưa còn đó nhưng bóng hình nào thấy đâu

Áo xưa còn đó nhưng mùi hương phai nhạt rồi

Từ đó, nghe trong lòng, nghe trong lòng mưa gió từng đêm

 

 

Vào một đêm sương có người trai hồi hương, báo một tin thật buồn

Tin anh gục chết giữa chốn nông trường xa

cho tơ duyên bẽ bàng

Phút giây cuối trong đầu, vẫn không nói nên lời

Vẫn xa cách phương trời, uất hờn nghẹn tim côi

Trọn đời ngăn đôi để một người sầu lên môi

Nên từ đó em buồn

Nên từ đó em buồn

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Phương Dung (thu âm trước 1975)

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Từ Đó Em Buồn" Trình bày: Hương Lan (thu âm trước 1975)

Rồi đến một ngày, cô đã đợi được tin tức về anh “vào một đêm sương” từ một “người trai hồi hương”, nhưng oái oăm thay, đó lại là “một tin thật buồn” - “Tin anh gục chết giữa chốn nông trường xa, cho tơ duyên bẽ bàng” - Tâm hồn của cô như đã chết lại chết thêm lần nữa, cô đã đợi anh, mong mỏi anh trở về để thắp lại những ấm nồng của tình yêu của hai người, nhưng cho đến cuối cùng thì sao? Thì “Phút giây cuối trong đầu, vẫn không nói nên lời/ Vẫn xa cách phương trời, uất hờn nghẹn tim côi”. Thà rằng anh cứ ở nơi nào đó, cứ sống yên bình, có quên cô đi cũng được, tại sao anh lại cứ phải rời xa cô theo cách đớn đau như thế này? Nỗi buồn ấy, kể từ bây giờ cô phải làm sao đây? Phải tiếp tục cuộc sống như thế nào đấy, khi người cô đợi, người cô cờ sẽ không thể nào tiếp tục đợi chờ được nữa. Tình yêu của cô, sâu thẳm trong con tim cũng sẽ không bao giờ có thể cất lên thành lời được nữa, không bao giờ… Thế cho nên “từ đó em buồn” - từ đó nỗi buồn của cô sẽ nhân lên, nhân lên gấp bội phần, và cũng sẽ kéo dài, kéo dài mãi mãi không bao giờ có thể kết thúc.

Trước 1975, có 2 ca sĩ hát bài Từ Đó Em Buồn là Thanh Lan và Phương Dung. Riêng Thanh Lan có đến ba bản thu âm khác nhau, với phần lời được hát khác nhau ở 1 câu mà ít người để ý tới. Đó là câu: “Tin anh gục chết giữa chốn nông trường xa, cho tơ duyên bẽ bàng” lại được hát thành “Tin anh gục chết giữa lúc băng dòng sông, vô đây xây ân tình” - Thực ra, nếu tìm hiểu ta sẽ thấy được, ngay trong tờ nhạc phát hành cả hai câu hát này đều được nhạc sĩ viết vào trong đó. Và cả hai câu hát đều có ngụ ý riêng của nó, cùng một ngụ ý chung là chàng trai ấy, đã rời Sài Gòn, và tập kết ra Bắc, và đã muốn tìm đường trở về để cùng với người mình yêu “xây lại ân tình” nhưng không thể:

Tin anh gục chết giữa chốn nông trường xa, cho tơ duyên bẽ bàng” - “Nông trường” là từ ngữ đặc trưng của vùng miền Bắc trước 75 chứ hoàn toàn không có ở miền Nam lúc đó. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và kiểm soát hoàn toàn miền Bắc từ tay Pháp, chính phủ VIệt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác các vùng đất hoang vào mục đích nông nghiệp. Vì vậy, nhạc sĩ viết câu hát trên với ngụ ý là anh đã gục ngã trên xus người.

Tin anh gục chết giữa lúc băng dòng sông, vô đây xây ân tình” - Với lời nhạc này, ai cũng hiểu là anh đã băng dòng sông Bến Hải để có thể trở về “xây lại ân tình” (tương tự một câu hát của nhạc sĩ Xuân Tiên trong bài hát Khúc Hát Ân Tình: Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài tìm đến phương này một nhà thân ái). 

Từ những dữ kiện chắp nối,nhiều người đã cho rằng rất có thể người trai trong bài hát này chính là nhà thơ sáng tác nên Tha La Xóm Đạo là Vũ Anh Khanh, với sự trùng lặp dữ kiện một cách đáng ngạc nhiên như sau: Vũ Anh Khanh và người con gái trong bài hát đều là người ở Phan Thiết, ông cũng tập kết ra Bắc năm 1954.

Theo tiểu sử của nhà thơ thì cũng đúng 2 năm sau khi ra đi, đến năm 1956, ông đã tìm cách quay lại miền Nam nhưng thất bại (rất trùng hợp với lời hẹn ước trong bài hát của đôi trai gái). Và cũng mười năm sau đó, người con gái ở quê nhà Phan Thiết mới nhận được tin người yêu đã không còn nữa.

Điều đó có phải là sự thật hay không thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng vẫn có rất nhiều người và trong đó có cả tôi tin rằng đó không hề là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. 

Và dù cho điều đó đúng hay là sai thì Từ Đó Em Buồn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẫn luôn sống mãi ở đó, cùng câu chuyện tình thủy chung vô cùng cảm động của người con gái thời đó, dù không có một tin tức về người mình yêu, và có thể cả đời cũng sẽ không có được tin tức, nhưng họ vẫn nguyện một lòng chờ đợi đến cuối đời - dù cho điều chờ đợi họ ở phía trước là một nỗi buồn đau kéo dài mãi mãi hết cả cuộc đời.