Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Nhớ Nhau Hoài" (Anh Việt Thu - Thiên Hà) - Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?... _ HCNX

Nhớ Nhau Hoài chính là ca khúc nổi tiếng thứ hai sau Gió Về Miền Xuôi được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc từ thơ của người bạn thân thiết thi sĩ Thiên Hà. Có một điều đặc biệt là cả hai bài thơ đều được thi sĩ sáng tác vào năm 1966.

Theo lời kể của nhà thơ, thời sinh viên đối diện phòng trọ của ông có một cô bé tóc dài. Mỗi chiều cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Mái tóc cô dài bay bay trong gió nhìn rất đẹp khiến cho tâm hồn ông xao xuyến. Rất nhiều lần muốn sang làm quen nhưng vì ngại ngùng nên đành gác lại. Để rồi đến một ngày, khi không còn thấy bóng dáng quen thuộc của cô gái ấy trên ban công đối diện nữa thì ông lại thẫn thờ như một người vừa mới thất tình vậy. Vì cái cảm xúc ấy bài thơ Nhớ Nhau Hoài đã được ra đời. Sau đó không lâu, bài thơ cũng được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và đã trở thành một ca khúc bất tử cho đến hôm nay.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu (trái) - Thi sĩ Thiên Hà (phải)

 

Mời quý vị nghe ca khúc “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Băng Châu

 

Bấm vào để nghe “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Băng Châu

Ngay sau khi sáng tác xong, thì bài hát đã được bán lại bản quyền cho nhạc sĩ Duy Khánh. Ông mua lại với mục đích là muốn lăng xê cho giọng ca mới nổi thời đó là Băng Châu. Và cũng nhờ hai người họ mà ca khúc đã nhanh chóng được sự đón nhận của công chúng:

Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?

Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.

Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố,

Gió ở trên non, gió cuốn mây về.

Mở đầu ca khúc là câu hỏi vô phương hướng của thi sĩ khi không thấy bóng dáng quen thuộc của người con gái ấy “Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?”. Không biết giờ này cô đã ở nơi phương trời nào? Và liệu đã có gia đình hay chưa. Nhưng cho dù cô có ở đâu, thì mọi thứ nơi đây đều khiến cho chàng trai không thể nào ngưng nghĩ về cô. Tại vì “gió ở trên non” thì sẽ luôn luôn “cuốn mây về” nguồn.

Mời quý vị nghe ca khúc “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Đan Nguyên

Bấm vào để nghe “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Đan Nguyên

Vì không dám ngỏ lời, nên giờ đây chàng thi sĩ chỉ biết ngồi lắng nghe nỗi cô đơn dội về trong cõi lòng.

Vì chưa được như ước nguyện nên trong lời thơ, ông tưởng tượng rằng hai người đã yêu nhau. Và giờ đây khi vắng bóng dáng người yêu nên chỉ biết ôm nỗi nhớ đến u sầu. ông nghĩ rằng hai người đã yêu nhau, đã có giận hờn, và giờ khi người yêu đi xa thì sẽ luôn “nhớ nhau hoài”.

Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn,

mà nghe nức nở trong hồn,

và thương đôi mắt nhỏ em buồn.

Vì mình yêu nhau, vì mình thương nhau nên mới giận hờn,

Vì mình xa nhau, nên nhớ nhớ nhau hoài

 Câu hát đầu tiên được lặp lại ở đoạn cuối bài hát, như là tiếng lòng đầy nức nở của một chàng trai luôn tìm kiếm bóng hình người yêu trong tuyệt vọng. Anh thổn thức, ngậm ngùi rằng nếu lỡ mai nàng không quay lại thì “chắc anh buồn biết mấy”. Nhưng cho dẫu nàng có quay lại hay không thì chàng trai ấy vẫn luôn khắc ghi bóng hình ấy, cũng sẽ luôn ghi “nhớ đêm ngày”.

 

Mời quý vị nghe ca khúc “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Hoàng Oanh

Bấm vào để nghe “Nhớ Nhau Hoài” Trình bày: Hoàng Oanh

Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?

Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.

Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy.

Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày.

Đến khi ca khúc được mọi người biết đến và được lên báo, cô gái nơi ban công ngày đó đọc được mới biết bài hát (hay bài thơ) được nói về mình. Sự nổi tiếng nhanh như chớp của ca khúc ngay cả hai người tác giả cũng không thể ngờ được. Và họ cũng không thể ngờ, là đến tận bây giờ nó vẫn nổi tiếng như vậy.