Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc bất hủ "Nỗi Buồn Gác Trọ" (Hoài Linh, Mạnh Phát) - Bài hát gắn liền với tên tuổi danh ca Phương Dung đầu thập niên 1960 _ DXLC

   

Nỗi Buồn Gác Trọ có lẽ là một cái tên quá đỗi quen thuộc với những người yêu nhạc. Bài hát này được nhạc sĩ Mạnh Phát và nhạc sĩ Hoài Linh đồng sáng tác.

Ca khúc bất hủ được hai nhạc sĩ tái hiện lại từ câu chuyện của một người bạn nhạc sĩ Mạnh Phát. Người bạn đó là một anh sinh viên nghèo ở trọ trong một căn gác nhỏ. Cứ mỗi “mùa” trôi qua thì anh lại thấy một thiếu nữ trong xóm trọ ấy đi lấy chồng. Có lẽ anh cũng đã đem lòng thầm thương trộm nhớ một ai đó trong số họ, nhưng “chưa kịp” tỏ lòng thì đã phải đưa tiễn họ về nhà chồng. Có lẽ do nhạc sĩ Mạnh Phát đã “cảm” được câu chuyện đó, “cảm” được lòng của chàng trai ấy, nên đã cùng với ngòi bút ca từ của nhạc sĩ Hoài Linh tạo nên một nhạc phẩm đi vào lòng người cho đến tận hôm nay mang tên Nỗi Buồn Gác Trọ.

Nhạc sĩ Hoài Linh (trái) và nhạc sĩ Mạnh Phát (phải)

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa.

Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa.

Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,

 

lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố.

Trong căn gác nhỏ, một cơn gió lạnh lùa vào khung của nhỏ khiến cho cõi lòng của chủ nhân nó cũng cảm thấy lạnh lẽo vô cùng. Bất giác nỗi nhớ từ nơi nao như theo làn gió ùa về trong lòng anh ấy, làm cho anh cảm thấy cả ánh đèn dầu cũng đang dần “hiu hắt”, chơi vơi trong nỗi nhớ vô hình ấy. Không gian cũng trống vắng, thin lặng như tâm hồn anh - nó yên tĩnh đến mức mà anh có thể nghe được tiếng “lá vàng nhè nhẹ đưa” - làm cho anh cứ ngỡ “như bước lê hè phố” của một người nào đó ngoài kia.

Rồi từ căn gác của mình anh nhìn thấy “có người con gái buông tóc thề”, cô đang ngại ngùng, e ấp “kết lên tà áo màu hoa cưới”. Có lễ cô ấy đang hồi hộp và trông chờ lắm những niềm hạnh phúc trong tương lai. Nhưng anh ấy, người đang ngồi trong căn gác nhỏ ấy lại thấy lòng mình chợt ùa về một cảm xúc khó tả. Nỗi cô đơn vô hình cứ thế tràn về “bấu víu” lấy tâm hồn anh, và những hình ảnh của quá khứ cứ như thế xâm lấn toàn bộ tâm trí của anh. Trong nỗi cô đơn ngậm ngùi ấy anh bất giác thốt lên “phố nhỏ vắng thêm một người”.

Có người con gái buông tóc thề.

Thu về e ấp chuyện vu quy.

Kết lên tà áo màu hoa cưới,

gác trọ buồn đơn côi phố nhỏ vắng thêm một người.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Nỗi Buồn Gác Trọ" Trình bày: Phương Dung

Bấm vào để nghe "Nỗi Buồn Gác Trọ" Trình bày: Phương Dung

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Nỗi Buồn Gác Trọ" Trình bày: Phương Mỹ Chi

Bấm vào để nghe "Nỗi Buồn Gác Trọ" Trình bày: Phương Mỹ Chi

Nỗi nhớ cứ thế dày xé trái tim anh. Có lẽ anh cũng ngỡ rằng mình đã quên đi được những nỗi buồn nằm sâu nơi quá khứ. Nhưng hồn anh đã “chìm vào đôi mắt” của một “cố nhân” - người mà “Ái ân chưa tròn” - người mà khiến anh đến tận bây giờ không thể nào quên đi được. Và có lẽ ngàn đời sau anh vẫn không thể quên. Đôi lúc anh cũng tự hỏi lòng không biết người xưa giờ ra sao, nhưng ai có thể trả lời được câu hỏi ấy của anh đây? Cô gái ấy - người mà anh đang nhớ thương ấy có khi còn không nhớ đến sự tồn tại của anh cũng nên, có khi cô ấy còn không biết anh là ai ấy chứ.

 

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm,

nhớ nhung đi vào quên.

Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu?

Gửi hồn chìm vào đôi mắt.

Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau.

 

 

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về.

Dâng sầu nhân thế đọng trên mi.

Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ,

nỗi niềm đầy lại vơi.

Mỗi mùa tiễn đưa một người.

Nhưng anh cũng không để tâm đến chuyện cô ấy có biết mình hay không. Thứ anh quan tâm duy nhất bây giờ chính là cõi lòng cô đơn, là bước chân lạc lõng của chính mình trên con phố nhỏ. Lòng buồn như “dâng sầu nhân thế đọng trên mi”, trời cũng không phụ lòng người mà buồn rơi “nước mắt” theo từng giọt nhỏ. Từng mùa thu qua là từng “mùa nhung nhớ” lại trôi qua. Tưởng như đã vơi đi với biết bao mùa thu nối tiếp nhau, nhưng nỗi niềm ấy đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy trong lòng chàng trai khi “mỗi mùa tiễn đưa một người”.

Nỗi Buồn Gác Trọ được sáng tác vào khoảng đầu thập niên những năm 1960. Bài hát này cũng gắn liền, và đưa tên tuổi của danh ca Phương Dung đến với khán giả yêu nhạc. Năm bà 16 tuổi, bà đã hát ca khúc này ở hầu hết các phòng trà trước khi nó được đưa vào phim Saigon By Night năm 1962 của hãng phim Alpha. Đến năm 1964 khi ca khúc này được thu vào dĩa nhựa và được phát đi phát lại trên đài phát thanh thì nó đã trở thành một hiện tượng ở khắp cả miền Nam - và tên tuổi của danh ca Phương Dung cũng vang xa theo tiếng hát của Nỗi Buồn Gác Trọ.

Sau này ca khúc đã được rất nhiều ca sĩ hát lại. Và tôi cũng đặc biệt thích phiên bản này của một tên tuổi “nhỏ” trong làng nhạc quê hương - Phương Mỹ Chi. Cô bé hát bài hát với một hơi thở rất mới, theo một tư duy rất mới. Nỗi buồn của cô bé cũng không quá day dứt hay trầm buồn mà cứ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, một sự nhẹ nhàng thấm thía đến từng tâm trí.

Lời bài hát "Nỗi Buồn Gác Trọ" Tác giả: Hoài Linh, Mạnh Phát

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa

Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa

Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,

lá vàng nhẹ nhẹ đưa

Tưởng như bước lê hè phố

 

 

Có người con gái buông tóc thề

Thu về e ấp chuyện vu quy

Khoác lên tà áo màu hoa cưới,

gác trọ buồn đơn côi

Phố nhỏ vắng thêm một người

 

 

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm

Nhớ nhung đi vào quên

Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu

Gơỉ hồn chìm vào đôi mắt

Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau

 

 

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về

Trăng sầu nhân thế đậu hoen mi

Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ,

nỗi niềm đầy lại vơi

Mỗi mùa tiễn đưa một người