Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" (Hoài Linh - Minh Kỳ) - Cuộc chia ly của một đôi trai gái trong buổi chiều hoàng hôn nhuộm tím cả một vùng trời _ HCNX

   

Chuyến Tàu Hoàng Hôn luôn được nhắc đến như một nhạc phẩm luôn tồn tại mãi với thời gian. Có lẽ vì bài hát chính là một sự kết hợp tài tình giữa hai con người nhạc sĩ tài năng Hoài Linh và Minh Kỳ.

Bài hát được ra đời vào năm 1962, tại nhà của một người bạn ở Thị Nghè nhạc sĩ Minh Kỳ đã hoàn thành bài nhạc và sau đó đưa nó cho nhạc sĩ Hoài Linh viết lời. Chuyến Tàu Hoàng Hôn sau khi hoàn thành được chính tác giả xuất bản lần đầu tiên vào năm 1962, sau đó thì được Nhà Xuất bản Tinh Hoa miền Nam xuất bản vào năm 1964 và tái bản nhiều lần suốt những năm của thập niên 60.

Nội dung bài hát viết về cuộc chia ly của một đôi trai gái trong buổi chiều được hoàng hôn nhuộm tím cả một vùng trời.

Nhạc sĩ Hoài Linh và nhạc sĩ Minh Kỳ (đứng bên phải)

 

Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà.

Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta.

Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian

ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài.

Trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi.

Trong giờ phút chia ly ấy, sự lưu luyến như bao trùm cả một không gian im ắng. Một màu tím của buổi chiều ta bỗng nhiên dâng lên tràn ngập trong tâm hồn của hai người. Và họ ước mong sao cho thời gian ngừng lại ngay “giây phút chia ly này” để cho họ có thể bên nhau dài thêm dù chỉ là một chút thôi. Dù chỉ là một chút thôi “trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi.

Nhưng đó chỉ là một ước mơ không thể nào thực hiện được vì xe vẫn cứ thế “lăn trong đêm khuất xa rồi biết đâu tìm”. Và theo từng bánh xe lăn, cảnh vật cũng như lòng người đều buồn rầu đứng lặng im mà ngóng trông theo bóng của chuyến xe đang khuất dần trong đêm tối.

Xe lăn trong đêm khuất xa rồi biết đâu tìm.

Mưa Thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm.

Hoàng hôn dần buông

mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống.

 

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành.

Đem yêu thương đi đến nơi nao cách đôi tình.

Đường bao nhịp nối tình trăm nghìn mối

hướng theo một bóng người.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Hoàng Oanh

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Hoàng Oanh

Người đi đã đi rồi, người ở lại vẫn lặng người đứng trông theo và “tâm tư” thầm trách móc “con tàu nỡ sao đành” “em yêu thương đi đến nơi nao” để cho tình yêu của họ từ nay phải cách xa, để cho người ở lại phải chờ đời với nỗi “cô đơn” đang giằng xé lấy tâm cam. Nhưng có thế nào đi chăng nữa, cô gái sẽ luôn nguyện một lòng “hướng theo một bóng người” đang dần dần khuất xa ấy, dù cho “đường bao nhịp nối” tình có “trăm nghìn mối”.

Và cứ mỗi độ chiều tà, là mỗi lần cô gái ấy vẫn ngóng chờ. Cô chờ, cô ngóng trông bóng dáng quen thuộc của “chuyến xe xưa” đã đưa người mà cô thương đi về nơi xa ấy đã trở lại chưa. Cô biết rằng ở nơi xa xôi ấy, chàng trai cũng đang chiến đấu rất gian khổ. Anh đang ngày đêm “đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn” để một mai sẽ được trở về trên “chuyến tàu hoàng hôn” và được gặp lại người con gái mà anh yêu thương.

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ.

Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa.

Nếu hay chăng người ơi! Chốn xa xôi chàng trai

còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn.

Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Tuấn Vũ

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Tuấn Vũ

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Đan Nguyên

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyến Tàu Hoàng Hôn" Trình bày: Đan Nguyên

Bài hát này dưới những giai điệu mượt mà nhưng day dứt của nhạc sĩ Minh Kỳ và biệt tài viết lời dưới ngòi bút của nhạc sĩ Hoài Linh đã thực sự trở thành một ca khúc bất hủ tồn tại mãi với thời gian. Nhưng mấy ai biết rằng thực ra bài hát này có đến hai lời hát. Vì vậy có ca sĩ hát nhiều câu hát khác nhau khiến cho nhiều người tưởng là dị bản hay là bị ca sĩ hát sai lời. Nhưng thực ra họ chỉ đang hát lẫn ca từ của lời hai vào lời một của bài hát mà thôi. Và đa số mọi người khi thể hiện bài hát này đều chỉ chọn ca từ của lời một để thể hiện nên đa số khán giả nghe nhạc đều lầm tưởng rằng bài hát chỉ có nhiêu đó. Nhưng nếu thực sự là khán giả đam mê dòng nhạc vàng và yêu quý ca khúc này đều biết đến phiên bản đầu tiên được thu của Chuyến Tàu Hoàng Hôn do ca sĩ Hoàng Oanh thể hiện - bà đã chọn hát lời hai của ca khúc này chứ không phải là lời một như những ca sĩ hát lại sau này. (vào năm 2016 khi đứng trên sân khấu của Paris By Night bà đã hát lại bài này với sự lồng ghép cả lời một và hai vào với nhau, rất là đặc biệt)

Nếu chỉ dừng lại ở lời một, câu chuyện chia ly sẽ chỉ dừng lại ở tâm sự của một người ở lại, dừng lại ở sự mơ màng và suy đoán của người nghe nhạc. Nhưng với lời hai, câu chuyện đã hiện ra một cách rõ ràng và rành mạch hơn vì có thêm tâm sự của người ra đi.

Chàng trai ấy là người ra đi mang một “chí trai anh ngàn phương”, theo nhịp xe dồn dập mà hát vang khúc “quân hành ca.” Anh ra đi mong cô gái ở lại đừng buồn, “đừng thương” mình mà phải biết chăm sóc cho bản thân, “cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn” để chờ đợi ngày anh sẽ trở về.

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà.

Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca.

Nhắn em ơi! Đừng thương, chí trai anh ngàn phương.

Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn.

Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương.

 

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn.

Mưa Thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm.

Hoàng hôn dần xuống,

người trai vì nước đi xây tình quê hương.

 

Tâm tư bâng khuâng hướng theo người đến xa vời.

Mong cho mai sau khúc thanh bình hát vang lời.

Tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời.

 

Người ơi! Chí nam nhi khi đã gửi sa trường

thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương.

Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương

là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm.

Ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta.

Trên xe anh cũng nhìn về hướng một người đang đứng trông theo ấy. Anh cũng ước mong đất nước sẽ sớm được hát vang khúc hát “thanh bình”, khi đó thì “tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời”. Vì thế nên anh xin giây phút chia ly này sẽ không phải là giây phút “sầu thương” và một mai - gần thôi “đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm”. Giây phút ấy “ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta”. Tình yêu của họ sẽ được thăng hoa khi đất nước được thanh bình - đó cũng là niềm mơ ước chung của tất cả những đôi tình nhân sống trong thời chinh chiến loạn lạc lúc bấy giờ.

Nếu như nghe trọn vẹn cả bài hát, nỗi buồn phảng phất ở đoạn đầu sẽ được xoa dịu hoàn toàn ở đoạn sau. Bài hát chứa đầy đủ cả sự buồn tủi, lưu luyến, tiếc nuối, và cả sự hào hùng, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, nó còn có cả niềm tin, và sự hào hùng dân tộc. Đó cũng là một trong những điều minh chứng cho tài năng sử dụng ngôn từ của nhạc sĩ Hoài Linh.

 

Lời bài hát "Chuyến Tàu Hoàng Hôn"

Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà.

Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta.

Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian

ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài.

Trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi.

 

Xe lăn trong tim khuất xa rồi biết đâu tìm.

Mưa Thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm.

Hoàng hôn dần buông

mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống.

 

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành.

Đem yêu thương đi đến nơi nao cách đôi tình.

Đường bao nhịp nối tình trăm nghìn mối

hướng theo một bóng người.

 

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ.

Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa.

Nếu hay chăng người ơi! Chốn xa xôi chàng trai

còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn.

Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.

 

[Lời 2]

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà.

Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca.

Nhắn em ơi! Đừng thương, chí trai anh ngàn phương.

Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn.

Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương.

 

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn.

Mưa Thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm.

Hoàng hôn dần xuống,

người trai vì nước đi xây tình quê hương.

 

Tâm tư bâng khuâng hướng theo người đến xa vời.

Mong cho mai sau khúc thanh bình hát vang lời.

Tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời.

 

Người ơi! Chí nam nhi khi đã gửi sa trường

thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương.

Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương

là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm.

Ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta.