Chuyện về "hãng đĩa hát xưa" ở Sài Gòn _ HCNX

   

Trong một dịp may tình cờ, tôi có được một chồng dĩa hát than cũ suýt nữa bị đem bỏ vì không dùng từ lâu. Bộ đĩa có hơn trăm cái, có vài cái bị nứt. Mỗi cái dĩa đều nằm trong bao giấy vuông có khoét sẵn một lỗ tròn giữa tâm để lộ cái nhãn đĩa cũng hình tròn. Có cái nhãn tím, cái nhãn đỏ.

Số dĩa hát cũ này đều của hãng ASIA, sản xuất khoảng từ giữa những năm 30 đến 1955. Chủ sở hữu đã mất vốn là hiệu trưởng một trường dạy nghề lớn do Tây trả lương, thuộc tầng lớp khá giả mới sắm đầy đủ như vậy. Trong đó còn nguyên bộ tuồng “Quan Âm” do danh ca Tư Sạng ca tới 14 dĩa. Bộ “Tây Sơn anh kiệt” 7 dĩa. “Mục liên Thanh đề” 6 dĩa.

Cách nay mấy chục năm, nhà tôi cũng có lưu hai dĩa Đêm đông do danh ca Năm Nghĩa ca nằm trong bộ dĩa hát này. Ông Năm Nghĩa tức Lư Hòa Nghĩa, là dưỡng phụ của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Theo ba tôi kể, ông là người nổi tiếng rất sớm khi mới mười lăm tuổi, ca muồi và chắc nhịp, giỏi đờn kìm. Bài Dạ cổ hoài lang từ nhịp đôi nguyên gốc của ông Cao Văn Lầu, ông Tư Chơi chuyển sang nhịp 4. Năm 1934, nó đang thịnh hành với nhịp 4 thì ông Năm Nghĩa kéo dài gấp đôi, chỉnh sửa cho muồi. Bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” theo bản đờn mà kéo thành 8 nhịp. Sau này nó thành 16, 32, 64… Vì mê giọng ca của ông, Ba tôi ráng mua cặp dĩa hát này, chỉ đợi khi nhà hàng xóm rảnh máy là mang qua xin nghe ké. Mê như vậy mà cuối cùng cũng chẳng mua nổi cái máy có cái loa hình bông rau muống cho đến khi không ai nghe máy hát dĩa nữa.

Má tôi thì mê giọng ca cô Tư Sạng. Mê nhất là trong mấy tuồng Đêm khuya trông chồng, Chung Vô Diệm, Hoa rơi cửa phật (hát chung với Tám Thưa), Quan Âm (hát chung với Chín Hòa). Cô Tư Sạng có giọng ca trong trẻo, dịu dàng nhưng chứa đựng tình cảm não nùng ai óan, nên khi ca tâm sự của phụ nữ sầu tình thì bộ đĩa nào cũng đắt người mua. Cô chính là vợ thứ hai của nghệ sĩ lừng danh Năm Châu. Sau cô chia tay nghệ sĩ Năm Châu và thành vợ thứ ông Năm Mạnh, chủ hãng đĩa ASIA, nơi đã giúp cô thành danh vượt bực với giọng ca thu trong cả trăm dĩa hát. Ông Năm Châu đau buồn trước sự gãy đổ hạnh phúc gia đình nên bộc lộ nỗi đau trong nhiều tác phẩm. Đó là: Mổ Tỉ Cang (Cô Năm Cần Thơ ca), Mộc Quế Anh (cô Năm Đồ)…Hai tuồng sau này tôi thích lại không có trong bộ dĩa là Men rượu Hương tình và Sân khấu về khuya.

 
 

Theo tài liệu của sọan giả Nguyễn Phương ở hải ngọai, Thầy Năm Tú (Pière Châu Văn Tú), chủ gánh hát cải lương đầu tiên ở miền Nam là “Ban hát Thầy Năm Tú” đã thu thanh và in thành dĩa hát để phố biến tuồng của ban ông khắp cả nước. Dĩa hát của ông có lời giới thiệu mà nhiều người lớn tuổi còn nhớ: “Đây là ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho. Hát cho dĩa Pathé Phono nghe chơi”. Các dĩa như Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng Hồ điệp, Hạnh Nguyên cống Hồ…của sọan gỉa Trương Duy Tỏan những năm 1922 – 1925 đều thu đĩa do hãng Pathé của Đức chế tạo. Chi nhánh của hãng tại Việt Nam chỉ thu tiếng tại chỗ rồi gửi băng về Đức để ép dĩa. Từ lúc thu cho đến khi có đĩa bày bán từ sáu tháng đến một năm. Giá thành cao, gía bán dĩa cao vì máy hát không nhiều do chỉ có nhà giàu mới mua nổi. Thầy Năm Tú mới lắp ráp máy hát để bán từ Nam ra Bắc, rẻ hơn máy nhập từ Pháp và Đức. Máy của thầy có in hình con chó ngồi thổi kèn và gắn cái loa bằng thiếc hình bông rau muống to tướng.

Tuy nhiên, có một nhân vật đã đẩy kỹ nghệ thực hiện đĩa hát lên một bước bằng cách nội địa hóa khâu làm đĩa. Việc này giúp mở rộng giới thưởng ngọan tuổng cổ cải lương, gián tiếp thúc đẩy việc phát triển nghệ thuật tuồng cải lương đang trên đà phát triển. Đó là ông Năm Mạnh, chủ hãng đĩa ASIA đã nhắc ở trên.

 

Ông Năm Mạnh khi còn trẻ sống ở Chợ Lớn cùng gia đình chuyên nghề sửa chữa xe kéo và xe đạp. Năm 1932, ông chuyển nghề ép giày cao su, rồi mở xưởng chế tạo đồ dùng bằng cao su lấy tên Vĩnh Xương Long.

Năm 1936, người em rể thứ bảy của ông từng học nghề ép dĩa của Pháp khuyên ông chuyển hướng theo nghề này. Ông liền mua lại các dụng cụ máy móc thu thanh, khuôn ép dĩa của hãng Pathé thanh lý. Ông đưa máy về nhà, tự thiết kế phòng thu và nghiên cứu vật liệu làm dĩa. Khó nhất là thu tiếng vào dĩa sáp rồi từ dĩa sáp khắc vào khuôn đồng để ép ra dĩa. Rãnh ghi âm cần nhuyễn và đều, khắc vào khuôn đồng vẩn giữ đuợc như khuôn dĩa sáp thì ép ra dĩa âm thanh mới thật. Ông và em rể thử nghiệm khâu này cả tháng mới có kết quả. Sau đó ông tiến hành thu, trả lương cho nhạc sĩ, tài tử đầy đủ dù thu thử hay thiệt.

 

So với chất lượng dĩa hãng Pathé Beka , dĩa của ông Năm Mạnh dùng nguyên liệu trong nước, máy cũ, kỹ thuật còn non nên kém hơn dĩa đá của thầy Năm Tú. Hầu như dày nặng hơn, độ cứng không đều. Có dĩa cứng quá hát hao kim, có dĩa lại mềm mau mòn dĩa. Tuy nhiên, ông vẫn cạnh tranh đuợc với dĩa Pathé Beka vì bán rẻ hơn ( 8 cắc / dĩa so với 1, 2 đồng). Và còn do chọn bài bản, tài tử ca hay, gói trọn câu ca không bị đứt đọan khi sang mặt dĩa khác. Cùng với việc kinh doanh, ông nghiên cứu chế tạo chất đá (ébonite) nhuyễn hơn để ép dĩa nhẹ hơn, rãnh dĩa sâu hơn, âm thanh thật hơn….nâng chất lượng như dĩa của Tây làm ra. Ngòai bìa dĩa, bên cạnh hàng chữ “Chủ nhơn Ngô Văn Mạnh, 324 đường mé sông Chợ Quán, Chợ Lớn”, ông Năm Mạnh nêu rất rõ “Nguyện vọng: cạnh tranh thương mại – gía cả. Đặc điểm : Khoa học – nghệ thuật – văn chương”

 

Trong suốt những năm từ 1936 đến 1956, dĩa hát thầy Năm Mạnh chiếm lĩnh thị trường dĩa hát cả nước. Ông tạo dựng đuợc một cơ ngơi bề thế cho gia đình và sản xuất rất nhiều tuồng hay và nổi tiếng, để đời như San Hậu, Quan Âm Thị Kính, Tô Ánh Nguyệt, Hoa rơi cửa Phật…Theo sọan giả Nguyễn Phương, ông Năm Mạnh xứng đáng đuợc vinh danh như là người đầu tiên sáng chế dĩa hát ở Việt nam.

 

Dĩa hát than hay nhựa, sau khi máy hát dùng băng cối du nhập và sau đó là máy dùng băng cassette, đã không còn thịnh hành và sử dụng. Rất nhiều dĩa hát bị vứt bỏ, dùng lót chuồng chim hay làm mặt đồng hồ trang trí. Mãi gần đây, phong trào sưu tập dĩa hát quay trở lại. Người ta phục hồi máy hát dĩa, mua từ hải ngọai qua trang Ebay hay hàng xách tay. Dĩa hát lại đuợc chú ý săn lùng dù chất lượng đã hao mòn theo thời gian. Và hầu hết giới sưu tập thích nghe nhạc rock hay các ca khúc trước 1975.

 

Dù sao, tên tuổi ông Ngô Văn Mạnh vẫn đáng được trân trọng vì những gì ông đã đóng góp cho nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam qua tên tuổi hãng dĩa ASIA một thời vang bóng.

 Theo Gốc Xưa Nét Cũ