Câu chuyện ngược về sự ra đời của ca khúc "Lệ Đá" (Trần Trịnh, Hà Huyền Chi) - Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời _ HCNX

   

Nhạc phổ thơ là điều mà người ta vẫn thường rất hay thấy, thậm chí có thể nói là vô cùng phổ biến và chiếm một phần quan trọng trong nền âm nhạc của Việt Nam ta. Nhạc phổ thơ, chúng ta có thể hiểu đơn giản là những nhạc sĩ bắt gặp đâu đó những bài thơ hay, đồng cảm rồi người ta viết ra một đoạn nhạc cho những vần thơ đó, tạo thành một bài hát hoàn chỉnh. Đó là một điều hết sức bình thường, tự như là một lẽ tự nhiên vậy.

Nhưng điều gì cũng có ngoại lệ cả, dù rằng rất khó và rất hiếm gặp đi chăng nữa, đó là điều ngược lại, bài nhạc được ra đời trước khi bắt gặp được bài thơ phù hợp với nó. Lệ Đá của nhạc sĩ Trần Trịnh chính là một bản nhạc như vậy.

Nhạc sĩ Trần Trịnh (trái) - Nhà thơ Hà Huyền Chi (phải)

Lời nhạc được nhạc sĩ sáng tác vào rất sớm, từ giữa những năm của thập niên 60, khi ông mới tập tễnh bước vào nghề nhạc sĩ và chưa có tên tuổi gì. Để rồi về sau, khi cơ duyên cho ông quen biết với nhà thơ Hà Huyền Chi thì bài hát của ông mới thực sự trở thành một ca khúc hoàn chỉnh và nổi tiếng đến tận về sau, Lệ Đá:

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt
Ái ân bây giờ là nước mắt
Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh

 

Bắt đầu bằng những câu hỏi mà dường như trên cuộc đời này không một ai có thể trả lời được một cách chính xác, hay cũng có thể nói là không trả lời được “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời/ Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời” - Nhưng đó cũng chính là những điều tự nhiên nhất của đất trời, của thiên nhiên. Những điều ấy, biết nó ở đó, biết nó tồn tại nhưng con người chúng ta chỉ có thể nhìn, ngắm, quan sát mà chẳng thể thay đổi được chúng. Bởi vì chúng là những điều tự nhiên, sinh ra tự nhiên và đổi thay theo tự nhiên giống như cái gọi là tình yêu vậy. Tình yêu đến với mỗi con người chúng ta một cách rất tình cờ, rất tự nhiên bằng những cái nhìn, những cử chỉ, rồi khiến cho chúng ta có những niềm vui, niềm hạnh phúc chứ từng có, nhưng chúng ta cũng không thể nào đoán trước được điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở con đường phía trước cả…

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Lệ Đá” Trình bày: Lệ Thu

 

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Lệ Đá” Trình bày: Lệ Thu

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Lệ Đá” Trình bày: Bằng Kiều

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Lệ Đá” Trình bày: Bằng Kiều

  Và cũng như một lẽ tự nhiên, tình yêu rời đi khỏi chúng ta, biến những ái ân của ngày nào trở thành “nước mắt”, và biến một tâm hồn đang ngập chìm trong hạnh phúc bỗng chốc trở nên trống trãi đến lạ thường, để chỉ còn lại nơi ta “cuối hồn một thoáng nhớ mong manh”.

Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng
Và ước mơ sao trời đừng bão tố
Để yêu thương càng nhiều gắn bó
Tháng ngày là men say nguồn thơ

Khi không gặp người, chàng trai thấy mình tựa như là “con chim lạc đàn” đang “xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng” - có một chút cô đơn, một chút trống trải nhưng lại cảm thấy bình yên. Rồi người đến, mang tới cho anh những cảm xúc khó tả, anh vui, anh hạnh phúc vì có bạn đồng hành, và anh ước mơ, khát khao xa vời hơn nữa. Anh “ước mơ sao trời đừng bão tố”, để cho anh và người có thể được cùng với nhau “yêu thương càng nhiều gắn bó”, để cho “tháng ngày là men say nguồn thơ”, để cho niềm vui, niềm hạnh phúc này có thể là mãi mãi…

Nhưng ước mơ mãi chỉ là ước mơ, tình yêu của anh, đến bất chợt và đi cũng bất chợt - “tình yêu đã vỗ cánh rồi”. Giờ đây, tại nơi này chỉ còn lại mỗi một mình anh, cùng với nỗi buồn và nỗi nhớ không nguôi. Anh cảm thấy giờ phút này mình như là “hoa rót mật cho đời”, đang từng chút một, từng chút một “chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng”, vì sợ rằng những tháng ngày đẹp đẽ ấy cũng sẽ dần biến tan theo thời gian, khi tình yêu và cả người đã rời đi. Anh nhớ như thế, tiếc nuối như thế, còn cô thì sao, người con gái của lòng anh: “Em nhớ gì không em ơi!” - Hay là chỉ mình anh nhớ, chỉ mình anh tự đa tình, và cũng chỉ anh tự mình huyễn hoặc khi xem tình cảm giữa hai người chính là tình yêu từ hai phía??

Tình yêu đã vỗ cánh rồi
Là hoa rót mật cho đời
Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng
Em nhớ gì không em ơi !
 
Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào
Chìm khuất trong mưa mưa bay rạt rào
Đọc lá thư xưa, một trời luyến tiếc
Nhớ môi em và màu mắt biếc
Suối hẹn hò trăng xanh đầu non

 

Dù là thế nào đi chăng nữa thì giờ đây đâu còn ý nghĩa gì nữa đâu, người cũng đã thật sự rồi đi, “màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào” giờ đây đã thật sự “chìm khuất trong mưa mưa bay rạt rào”. Nơi chốn này, chỉ còn lại một mình anh ôm ấp lấy kỷ niệm của những ngày tháng cũ mà thôi. Đọc lại những dòng thư xưa anh cảm thấy trong lòng mình là cả “một trời luyến tiếc”, nỗi nhớ nhung cứ thế ùa về trong trái tim anh. Anh nhớ, nhớ vô cùng, “nhớ môi em và màu mắt biếc”, nhớ cả “suối hẹn hò trăng xanh đầu non”... Nhưng giờ đây còn gì nữa đâu, có chăng còn lại chỉ là những tình cảm của một mình anh mà thôi, còn tình yêu ấy đã mãi mãi, mãi mãi nằm lại ở những tháng ngày của quá khứ xa xôi.

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Lệ Đá” Trình bày: Giang Hồng Ngọc

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Lệ Đá” Trình bày: Giang Hồng Ngọc

Có một điều rất thú vị là nhà thơ Hà Huyền Chi không chỉ đặt một lời cho nhạc phẩm Lệ Đá mà viết đến tận 5 lời. Và lời nào cũng rất thơ, rất cảm xúc. Ví dụ như Lệ Đá 2:

Tượng đá kiên trinh ru con đời đời 
Là nét đan thanh nêu cao tình người 
Là ánh chiêu dương đẩy lùi bóng tối 
Tháng năm xa trùng trùng sóng gối 
Ngóng nhìn từ bát ngát chân mây

Bài hát ca da theo tôi vào đời 
Và giữ cho tim tôi xanh nụ cười 
Nào biết trong em còn nhiều trống vắng 
Trái yêu đương chỉ là trái đắng 
Gã tật nguyền buông trôi niềm tin
 
Tình yêu đã vỗ cánh rồi 
Là hoa rót mật cho đời 
Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng 
Em nhớ gì… không em ơi
 
Tượng đá kiên trinh ôm con đợi chồng 
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng 
Lệ đá tuôn rơi dòng dòng nối tiếp 
Ngóng chinh phu đời đời kiếp kiếp 
Suối vọng tìm trăng xanh đầu non

 

Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả vẫn chính là lời đầu tiên mà đến tận bây giờ chúng ta thường nghe.