Cảm nhận ca khúc “Tuổi Đá Buồn” một trong những tác phẩm Trịnh Công Sơn dành riêng cho Dao Ánh _ HCNX

   

Trời còn làm mưa, Mưa rơi mênh mang

Từng ngón tay buồn,Em mang em mang

Đi về giáo đường

 

Ngày chủ nhật buồn,Còn ai còn ai

Đây là những ca từ quen thuộc của Tuổi Đá Buồn, là một ca khúc nổi tiếng do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Ca khúc được ông viết trong những năm tháng dạy học ở Bảo Lộc, khi ông cùng bạn thuê trọ tại một căn biệt thự nhỏ nằm trên đồi. Trịnh Công Sơn ở trong một căn phòng nhỏ, có ô cửa sổ nhìn ra con đường dốc quanh co trước nhà. Con đường dẫn tới một nhà thờ nhỏ trong vùng. Chính từ ô cửa sổ này, Trịnh Công Sơn đã ngồi nhìn những cơn mưa trút xuống, những đám mây mù phủ kín lối đi và viết nên những ca khúc để đời. Tuổi Đá Buồn chính là một trong những ca khúc đó.

Âm nhạc của Trịnh Công thì không ai còn thấy lạ lẫm nữa. Những nét mơ màng trong từng lời nhạc, từng ca từ của nhạc Trịnh khiến cho con người ta rất khó có thể cắt nghĩa một cách rõ ràng. Nhưng nó lại mang một sự cuốn hút rất kì lạ, khiến cho những người yêu nhạc rất khó có thể cưỡng lại.

Nghe một lần, sẽ muốn nghe lại lần thứ hai để tìm hiểu thêm ý nghĩa của bài hát. Nhưng nghe đến lần thứ 2, thứ 3… rồi nhiều lần sau nữa thì dường như người ta đã hoàn toàn đắm chìm vào nó, đi lạc trong nó. Họ không còn nhớ cái mục đích mình muốn tìm kiếm nơi bản nhạc nữa, và cũng không muốn tìm kiếm nó nữa. Vì có lẽ, họ cảm thấy lòng mình như đang trôi lạc vào một xứ sở thần tiên của những xúc cảm - thứ cảm xúc mà chưa bao giờ họ có thể cảm nhận ở bất cứ một nơi nào khác ngoài nhạc Trịnh. 

Tuổi Đá Buồn chính là một bài hát như thế. Tôi không thể lý giải từng lời, từng ý trong từng ca từ của nó. Nhưng nó lại khiến tôi cực kì đắm chìm - Tôi đắm chìm vào Đà Lạt, một mùa mưa dai dẳng. Tôi đắm chìm trong từng cơn mưa, trong từng làn mây bay, và trong cả sương mù. Sự dịu dàng, mơ màng đầy mộng mơ của nơi đây sao tôi lại cảm giác có một nỗi buồn miên man và da diết đến tận tâm cam. Tôi không còn muốn lý giải nó nữa, tôi chỉ muốn được ngắm nhìn, và cùng gặm nhấm nỗi xót xa của những con người nơi được mệnh danh là “thành phố của những nỗi buồn” ấy.

Bài hát là một bức tranh nhạc sĩ vẽ một góc phố Đà Lạt chìm ngập trong từng màn mưa vào một ngày “chủ nhật buồn”. Xa xa khung cửa sổ thấp thoáng bóng dáng một người con gái trên tay ôm nhẹ một đóa hồng, chầm chậm đi đến nơi giáo đường. Bóng hình đó thật là thướt tha, thật là tươi trẻ với một làn tóc mây bồng bềnh, nhưng sao lại vương vấn, phảng phất một nỗi buồn - nỗi buồn cũng nhẹ nhàng như chính cô gái ấy vậy. Có lẽ cô ấy muốn cầu nguyện cho mình một điều gì đó tốt đẹp, với những bông hồng tôi thiết nghĩ đó là tình yêu.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Trịnh Công Sơn đàn và hát

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Trịnh Công Sơn

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Ngọc Lan

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Ngọc Lan

Đóa hoa hồng, Cài lên tóc mây

Ôi đường phố dài

Lời ru miệt mài,Ngàn năm ngàn năm

Ru em nồng nàn, Ru em nồng nàn

 

Trời còn làm mây, Mây trôi lang thang

Sợi tóc em bồng, Trôi nhanh trôi nhanh

Như dòng nước hiền

Ngày chủ nhật buồn, Còn ai còn ai

Rồi những ngày “chủ nhật buồn” cứ thế lại nối tiếp nhau mà đến. Cô gái ngày nào vẫn như thế trong màn mưa đi đến giáo đường, nhưng nỗi buồn dường như mỗi ngày lại càng nặng trĩu hơn trên đôi tay bé nhỏ ấy. Quãng đường đi vẫn như thế mà sao ta đứng nhìn lại cảm thấy nó dài lê thê, còn bước chân cô gái thì ngày một nặng trĩu trong màn mưa như mịt mờ khói sương ấy. Tình yêu cô cầu nguyện có lẽ cũng đang mờ dần trong màn mưa mờ mịt ấy.

Đóa hoa hồng, Vùi quên trong tay

Ôi đường phố dài, 

Lời ru miệt mài, Ngàn năm ngàn năm

Ru em giận hờn, Ru em giận hờn

 

Trời còn làm mưa, Mưa rơi mưa rơi

Từng phiến băng dài, Trên hai tay xuôi

Tuổi buồn em mang, Đi trong hư vô

Ngày qua hững hờ

Lòng người thì càng ngày càng nặng trĩu, mà cơn mưa thì cứ mãi dầm dề không hề có ý định ngừng lại. Cơn mưa như làm lạnh giá cả tâm hồn và thể xác của cô gái nhỏ bé ấy. Bao nhiêu trông đợi, bao nhiêu mong ước, bao nhiêu giận hờn, giờ chỉ đổi lấy được sự giá lạnh nơi cả thể xác lẫn tâm hồn cô gái. Một người mỏng manh, nhỏ bé như cô làm sao để chịu đựng, để vượt qua được sự giá lạnh đó đây? Có lẽ con người nơi khung cửa sổ ấy, và cả chúng ta những người đang nhìn ngắm cũng không khỏi xót xa cho tấm thân nhỏ bé đang phải chịu đựng trong màn mưa mờ ảo kia.

 

Trời còn làm mưa, Mưa rơi mưa rơi

Từng phiến mây hồng,Em mang trên vai

Tuổi buồn như lá, Gió mãi cuốn đi

Quay tận cuối trời

 

Trời còn làm mưa,Mưa rơi thênh thang

Từng gót chân trần, Em quên em quên

Ôi miền giáo đường

Ngày chủ nhật buồn, Còn ai còn ai

 

Đóa hoa hồng, Tàn hôn lên môi

Em gầy ngón dài

Lời ru miệt mài, Ngàn năm ngàn năm

Ru em muộn phiền, Ru em bạc lòng

Và rồi những ngày “chủ nhật buồn” sau đó, cô gái nhỏ ấy không còn xuất hiện nữa. Có lẽ cô đã buông xuôi, những bông hồng cô mong muốn trao gửi giờ đã úa tàn, và lòng cô cũng đã úa tàn theo những bông hoa đó, và có lẽ giờ đã lạnh giá như những làm mưa ngoài kia vẫn đang còn mải miết rơi.

Từ một cô gái thướt tha, nồng nàn cô gái giận hờn, rồi cô gái u buồn, và rồi cô gái buông xuôi, cô gái lạnh lòng. Lòng cô giờ như những phiến đá, cứ trơ ra, cứ sừng sững với nắng, mưa, gió bão. Nhưng là đá thì làm sao biết đau, làm sao biết buồn - Ai cũng nghĩ như thế, riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì không. Đá của ông trong Diễm Xưa đã biết đau, đã biết buồn và nó còn “cần có nhau” nữa huống hồ gì là những con người bằng da bằng thịt? Lại một lần nữa trong Tuổi Đá Buồn, ông khẳng định thêm điều đó một lần nữa.

Nhưng có lẽ không ai cũng nghĩ như ông, nên người ta (cả trời đất) cũng luôn vô tình chà xát lên nỗi đau của đá như thế, và mặc kệ chúng.

Nên cũng chỉ có Trịnh Công Sơn mới có thể dành những “lời ru” ngọt ngào để “ru miệt mài, ngàn năm ngàn năm”. Có lẽ vì cảm nhận được quá sâu sắc những gì mà người con gái ấy, lứa tuổi ấy, mang trong lòng tâm hồn của đá. Hiểu được những tươi đẹp và cả sự tổn thương mà họ phải chịu đựng. Nên ông muốn dùng lời ru để chia sẻ - để cùng vui, cùng buồn và để xoa dịu đi phần nào những nỗi đau, những buốt giá nơi những tâm hồn ấy.

Bức tranh mà tôi nhìn thấy có lẽ chỉ là một gốc nơi toàn cảnh mà thôi. Dù vậy thì tôi cũng phần não đã cảm nhận được những xúc cảm tuyệt vời mà nó mang lại. Và tôi cũng hy vọng là những nỗi buồn ấy - dù ai phải chịu đựng sẽ sớm được thay bằng những yên bình nơi “lời ru” mà Trịnh Công Sơn đã mang đến nơi Tuổi Đá Buồn.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Tuổi Đá Buồn" Trình bày: Elvis Phương