Cảm nhận ca khúc "Trương Chi" - Nhạc sĩ Văn Cao mượn câu chuyện tình trái ngang của Trương Chi và nàng Mị Nương để nói về con người, nói về chính mình _ HCNX

   

Trương Chi, Mỵ Nương vốn là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của dân gian Việt Nam. Và nó luôn trở thành một đề tài vô cùng thú vị đối với văn học nghệ thuật Việt Nam. Riêng đối với âm nhạc, Trương Chi đã là niềm cảm hứng được khai phá từ những năm đầu của thập niên năm 1940, bởi hai người nhạc sĩ tài năng trong làng tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy.

Câu chuyện cổ về tiếng hát mê hoặc lòng người của chàng Trương Chi. Chàng vốn là một người có gia cảnh nghèo hàn, con nhà thuyền chài. Mỗi lần chàng làm việc là một lần buông tiếng hát làm cho lòng người phải xao động. Nàng Mỵ Nương xinh đẹp cũng bị tiếng hát đó hút hồn, rồi đem lòng tương tư bóng hình chàng trai ấy, đến mức khi vắng tiếng hát ấy nàng đã nhớ thương mà đổ bệnh. Nhưng khi được như ý nguyện gặp được chủ nhân của tiếng hát thì nàng lại nguôi mộng mà dứt mối tương tư bởi vì dung mạo chàng quá xấu. Còn chàng kể từ lúc gặp Mỵ Nương quá đỗi xinh đẹp thì lại ôm trong lòng mối tình đơn phương, nhưng vô vọng mà tức tưởi mà qua đời. Hồn cốt chàng biến thành khối ngọc sáng, Mỵ Nương thương xót đem tạc thành chén ngọc và dường như cô nhìn thấy được bóng hình chàng hiện ra nơi chén quý. nàng không cầm được lòng mà rơi nước mắt, chén ngọc cũng tan chảy trong giọt nước mắt thương tâm ấy. 

Nhạc sĩ Văn Cao

Câu chuyện này cũng là một trong những câu chuyện cổ tích dân gian hiếm hoi của Việt Nam có kết cấu và kết thúc lạ. Có lẽ cũng vì vậy mà nó tạo được cảm hứng cho rất nhiều nhà nghệ thuật tài năng: như kịch, truyện ngắn, thơ… và âm nhạc với rất nhiều tác phẩm khác nhau.

Quay lại với hai tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam, với nguồn cảm hứng Trương Chi từ rất sớm: Với nhạc sĩ Phạm Duy, ông nhìn câu chuyện với tư cách là một người chứng kiến và xót thương cho một câu chuyện tình không thành mà tạo nên Khối Tình Trương Chi. Còn riêng Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao, dường như đó là lời tự sự của ông với chính cuộc đời mình.

 

Nhạc sĩ mượn lời nhạc để kể về câu chuyện tình trái ngang và tuyệt vọng của Trương Chi với nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Nhưng dường như, ông đã vượt ra ngoài câu chuyện, dùng hình ảnh tiếng hát và sự xấu xí của chàng Trương Chi để nói về con người, nói về chính mình. Đó là một câu chuyện dài:

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ

Trầm trầm không gian mới rung thành tơ

Vương vất heo may hoa yến mong chờ

Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.

Bằng những giai điệu nhẹ nhàng, từ tốn nhạc sĩ Văn Cao kể lại câu chuyện của chàng Trương Chi qua lời hát “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/ Trầm trầm không gian mới rung thành tơ”. Trong một không gian bình thường như bao ngày lại vang lên “tiếng cầm ca” len lỏi, vấn vương theo làn gió thu cứ vang vọng cả một trời. Nhưng sao trong đó lại nghe như có một nỗi buồn, nỗi bơ vơ, cô độc của một bóng hình “đêm khuya thức ai phòng loan”. Từng câu nhạc vang lên như gọi lại nỗi buồn gia diết của chàng trai nghèo Trương Chi, và cả chính bản thân người đang cảm thấy cô độc - chàng nhạc sĩ nghèo Văn Cao.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Trương Chi" Trình bày: Thái Thanh

Bấm vào để nghe ca khúc "Trương Chi" Trình bày: Thái Thanh

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Trương Chi" Trình bày: Lệ Thu (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe ca khúc "Trương Chi" Trình bày: Lệ Thu

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,

Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan

Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng

Đây đó từng song the hé đợi đàn.

Câu chuyện dần rõ ràng khi hình bóng nàng Mỵ Nương hiện ra nơi “Tây hiên”. Nàng thoáng “nghe tiếng ngân hò khoan” của một bóng dáng mơ hồ nơi con đò trôi. Rồi từ ngưỡng mộ, nàng e thẹn “cười nép trăng sáng lả lơi” bên một góc trời - nàng đã đem lòng mình trao cho hình bóng nơi con thuyền xa xa cùng với tiếng ca rung động lòng người ấy. Nhưng nàng lại nỡ tuyệt tình khi nhìn thấy dung mạo của chàng trai ấy, trớ trêu lúc nàng tuyệt tình lại là lúc anh thầm trao thương nhớ…

Rồi anh đem những tuyệt vọng của mối tình trớ trêu ấy vào trong tiếng hát của chính mình. Đó là tiếng ca của “Anh Trương Chi”, tiếng hát anh vang vọng cả một trời cho đến ngày hôm nay vẫn luôn “còn rung”. Anh hát với tất cả niềm “thương nhớ”, và cả sự “oán trách cuộc từ ly não nùng”. oán trách số phận và cuộc đời của chính anh.

Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân

hò khoan mơ bóng con đò trôi

giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời

Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, Anh thương nhớ,

Oán trách cuộc từ ly não nùng.

Và anh cứ hát, cứ nhớ, cứ thương, rồi oán hờn, trách móc, xót thương cho số phận của chính mình… và cùng với tiếng hát, cả con người anh đã cùng chìm sâu xuống “đáy nước sông sâu”. Số phận bi ai của anh cứ thế mà chìm sâu nơi đáy sông như chính cuộc đời của anh với những đớn đau ngang trái.

Đò trăng cắm giữa sông vắng

Gió đưa câu ca về đâu?

Nhìn xuống đáy nước sông sâu

Thuyền anh đã chìm đâu!

Anh ra đi để lại cho đời một “khúc nhạc xa vời” “trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi” khiến cho người đời không khỏi xót thương khi nhắc đến anh cùng chuyện tình của một con người có tài nhưng không sắc. Nơi đây “sương thu vừa buông xuống”, những bóng cây ngày xưa giờ đã khác xưa, nhưng những người qua lại nơi đây đều có thể nghe được tiếng than của con sông về “mối tình Trương Chi” đầy ngang trái và oán hờn của ngày xưa. Nỗi niềm càng xót xa, càng bi ai khi trời dần về khuya, lúc trăng đã úa tàn, trong không gian vắng lặng nghe như có bao lời ca vang vọng nhẹ ru trong mùa thu nhói lòng.

Thương khúc nhạc xa vời

Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.

Sương thu vừa buông xuống

Bóng cây ven bờ xa mờ xóa dòng sông

Ai qua bến giang đầu tha thiết,

Nghe sông than mối tình Trương Chi

Dâng úa trăng khi về khuya,

Bao tiếng ca ru mùa thu.

 

 

Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn

Còn nghe như ai nức nở mà than,

Trầm vút tiếng gió mưa

Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?

Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn

Về phương xa ai nức nở và than,

Cùng với tiếng gió vương,

Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.

Bên ngoài song cửa tiếng mưa dồn dập, nhịp nhàng như tiếng đàn, như tiếng hát ai đang “nức nở mà than”, xuyên qua cả màn mưa, cả làn gió và tiếng nước róc rách từng hồi ngoài kia. Nghe sao mà buồn, mà xót xa quá vậy. Người đã đi rồi, đã về một phương trời xa xôi nhưng sao tiếng than, tiếng lòng vẫn đang còn lại đây, từng ngày nức nở không nguôi? Hôm nay đây, cùng với “tiếng gió vương” có một chàng nhạc sĩ nghèo “nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa”.

Anh gọi tiếng lòng tha thiết “Đò ơi!” như là để gọi cõi lòng đã chìm sâu của chính mình. Nỗi nhớ cứ thế tràn về nơi cõi lòng anh, anh ngồi ca khúc ca dưới ánh trăng ngà, tay “gõ ván thuyền” nhìn đời cô độc chỉ “còn riêng ta”. Rồi nỗi buồn cứ thế xâm chiếm tâm trí, anh “trách ai khinh nghèo quên nhau/ đôi lứa bên giang đầu” - Như là người ra đi, để lại cuộc tình chỉ còn lại một nữa, để cho bóng “thuyền Trương Chi” nay đã vụt mất trong lòng sông.

Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao

Mà ai hát dưới trăng ngà

Ngồi đây ta gõ ván thuyền,

Ta ca trái đất còn riêng ta.

Đàn đêm thâu

Trách ai khinh nghèo quên nhau,

Đôi lứa bên giang đầu.

Người ra đi với cuộc phân ly,

Đâu bóng thuyền Trương Chi?

Trương Chi là anh, hay anh chính là Trương Chi? Sự cô độc với đời ấy, sự đau thương của cuộc đời tàn nhẫn ấy là của Trương Chi và cũng là của anh, của một chàng nhạc sĩ nghèo, có tài nhưng không sắc.

Trong câu chuyện, sự uất hận và bi ai của chàng Trương Chi đã phần nào được hóa giải bằng những giọt nước mắt ân hận và nhớ thương muộn màng của người con gái anh yêu. Nhưng Trương Chi của nhạc sĩ Nam Cao thì có chút khác, chàng đã chìm sâu dưới lòng sông, chỉ còn trơ trọi lại một bóng hình ai oán, vương vấn, than trách đòi lại sự công bằng. Nhưng ai nghe, ai thấu, và ai trả lại giùm cho? Không, hoàn toàn không có một ai.

Ông lấy hình ảnh của chàng Trương Chi để viết nên sự cô độc của chính bản thân mình. Sự cô độc đó chính là con sông nhấn chìm ông như là chàng Trương Chi của câu chuyện cổ đầy bi ai đó. Nhưng ông chìm, mà không chết, không về với hư không như Trương Chi, mà sống để cảm nhận sự cô độc, sự bất công lan đến tận xương tủy của chính mình. Ông cũng biết đời người luôn như thế, ông chấp nhận sống tròn xót xa đến cuối đời. Như là lời ai oán vấn vương nhân gian của chàng Trương Chi tài năng nhưng phận bạc.

Bài hát vốn rất dài, với cả phần lời hai, nhưng đa phần các ca sĩ thể hiện chỉ chọn phần lời một để hát, để kể về câu chuyện của chàng Trương Chi. Điều đó khá là tiếc nuối, vì nếu hát thêm phần lời hai của bài hát, mọi người sẽ cùng được cảm nhận sâu sắc hơn con người và điểm giống nhau của chàng nhạc sĩ nghèo và chàng Trương Chi:

Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ,

Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ

Ngây ngất không gian rên xiết lay bờ,

Bao tiếng cấn ca rung ánh sao mờ

 

Nhạc còn lưu ly nhắc ai huyền âm,

Lạnh lùng đôi giây tố lan trầm ngân

Trong lúc đêm khuya ai lóng tiếng cầm,

Thu đã chìm xa xa ánh nguyệt đầm

 

Khoan khoan đò ơi! tương tư tiếng ca

Chàng Trương chi cất lên hò khoan,

đêm thu dài đến khoan tiếng nhạc ơi!

Nhạc ơi thôi đàn .

 

Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, Anh thương nhớ,

Oán trách cuộc từ ly não nùng.

 

Đò trăng cắm giữa sông vắng

Gió đưa câu ca về đâu?

Nhìn xuống đáy nước sông sâu

Tuyền anh đã chìm đâu!

 

Thương khúc nhạc xa vời

Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.

Sương thu vừa buông xuống

Bng cây ven bờ xa mờ xóa giòng sông

Ai qua bến giang đầu tha thiết,

Nghe sông than mối tình Trương Chi

Dâng úa trăng khi về khuya,

Bao tiếng ca ru mùa thu.

 

Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn

Còn nghe như ai nức nở và than,

Trầm vút tiếng gió mưa

Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?

Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn

Về phương xa ai nức nở và than,

Cùng với tiếng gió vương,

Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.

 

Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao

Mà ai hát dưới trăng ngà

Ngồi đây ta gõ ván thuyền,

Ta ca trái đất còn riêng ta.

Đàn đêm thâu

Trách ai khinh nghèo quên nhau,

Đôi lứa bên giang đầu.

Người ra đi với cuộc phân ly,

Đâu bóng thuyền Trương Chi?

Trương Chi đã chọn cái chết để quên đi niềm đau đớn, nỗi uất hận, và sự vô vọng của mối tình trái ngang không thành của chính mình. Nhưng tiếng hát của chàng thì ngàn năm còn vang mãi.

Còn chàng nhạc sĩ nghèo Văn Cao lại chọn sống chung với sự cô đơn, uất hận và vô vọng của chính mình. Và sự lựa chọn đó đã được đền đáp bằng những tuyệt phẩm để đời theo thời gian. Một con người nhỏ bé và đầy tài năng khiến cho người người, đời đời luôn phải nghiêng mình mà thán phục, mà trầm trồ.