Cảm nhận ca khúc "Một Cõi Đi Về" - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: "Ai rồi cũng có một cõi để đi về" _ HCNX

   

“Một Cõi Đi Về! Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát này bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật khó. Nhưng khi tôi gặp không ít người dù họ ít học, họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì họ trả lời không hiểu. Nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong nên khi nghe, khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm” Đây là câu trả lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần phỏng vấn khi được hỏi là ca khúc nào của ông có những cách nhìn mới mẻ về thân phận của con người, tình yêu cuộc sống, cái chết và sự giải thoát?

Ông còn nói thêm rằng: “Một cõi đi về là ý đồ chính của bài hát, ai cũng có một cõi đi về. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại trở về với hư vô”. Đó có lẽ là cách mà Trịnh Công Sơn đã nhìn nhận sâu sắc về nhân sinh quan trong cuộc đời. Đời con người vốn là hư vô, đến từ hư vô và sẽ trở về với hư vô mà thôi (điều này làm tôi nhớ đến một ca khúc khác của ông cũng có ý nghĩa tương tự mang tên Cát Bụi). 

Dù là bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi cái quy luật tự nhiên này cả, bất cứ ai cũng sẽ mang trên vai sự xoay vòng của trời đất, của “đôi vầng nhật nguyệt”. Những thứ ánh sáng huyền diệu đó sẽ mãi chiếu rọi lên ta cho tới khi ta đến “một cõi đi về” và trở thành cát bụi. Nên nhạc sĩ mới buông lơi một câu hỏi là “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”? Tại sao cứ phải ra đi và bon chen trên dòng đời để rồi phải cảm thấy “mỏi mệt” rã rời như vậy? Tại sao không thể dừng lại để lắng nghe những lời thì thầm của cỏ cây, hoa lá? Và trong một buổi chiều ngà ngà say ta sẽ bất chợt nhận ra cuộc đời thật ra không hề nặng nề như ta từng nghĩ. Xuân đi, hạ đến, thu qua, đông tàn vốn dĩ là một quy luật tự nhiên của đất trời. Cuộc đời con người cũng vậy, nó đến rồi nó sẽ đi vào một ngày nào đó, một mùa nào đó mà ta không thể đoán trước được. Nên biết đâu đấy, một ngày không xa ta sẽ không còn được thấy những điều ấy nữa, nên cứ nhẹ nhàng thôi, cứ sống - đừng hối hả, con tim của ta sẽ cảm nhận được những thanh bình của cuộc sống.

 

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

 

 

Lời nào của cây lời nào cỏ lạ

Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ

Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Trịnh Công Sơn

Bấm vào để nghe ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Trịnh Công Sơn

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào để nghe ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Khánh Ly

 

Ở đây nhạc sĩ có dùng một từ rất lạ, đó là “con tinh” tôi thực sự đã tưởng nó là “con tim”. Nhưng tác giả thì không thể ghi sai lời nhạc của chính bản thân mình sáng tác cả, nên tôi mới tìm hiểu và vỡ lẽ ra rằng, đó là từ ngữ ông dùng để chỉ những cô gái Huế xinh đẹp và tinh nghịch (họ hay bị gia đình và bạn bè mắng yêu là “đồ yêu tinh”). Thế mới nói, cách dùng từ của Trịnh Công Sơn luôn luôn là một cái gì đó khiến cho con người ta phải ngạc nhiên và trầm trồ. Điều này cũng là có thể nói ông đã rất tinh tế khi đưa nỗi nhớ quê hương của mình vào bài hát. Cuộc đời ông là cả những chuỗi ngày phiêu bạt đó đây, nhưng ông có rời bước thì dòng sông vẫn “còn ở lại”. Và nó sẽ mãi ở đó như chờ đợi dấu chân ta trở về. Nhưng “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”, có lẽ đường trở về quê sẽ còn xa lắm, nhưng nỗi nhớ sẽ như là con mưa sẽ luôn bay trong tim ta “bay từng hạt nhỏ”.

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

 

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa

Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

 

Tôi sẽ không lý giải rõ từng ca từ trong bài hát này, vì tôi không thể. Ngay cả Trịnh Công Sơn còn mông lung với chính những ca từ mình viết ra thì sao tôi có thể. Tôi sẽ chỉ nói về những cảm nhận của riêng tôi mà thôi. Những con người cứ mãi chạy theo những cái xa xôi trước mặt và bỏ quên đi mọi thứ, họ bỏ quên “một bờ cỏ non” - nơi mà ngày xưa đã từng cho họ những mộng ước đầu đời. Và rồi khi mệt mỏi, khi “tiều tụy” họ mới nhận ra thứ mà họ tìm kiếm vẫn luôn nằm ở đó. Và khi đã tìm ra những chân lý của cuộc đời, họ mới nhận ra rằng những chuyến đi đó không hề vô nghĩa. Chỉ là cuộc đời vẫn luôn như thế, nó “chưa từng độ lượng” với bất kỳ ai, nếu muốn nhận ra chân lý, nhận ra ánh sáng của cuộc đời mình thì phải tự mình đi tìm lấy, tự mình vượt qua những khó khăn, những gian nan và những thử thách. Và có những người phải đổi cả một thời “xuân thì”, đến ngày nhắm mắt trở về với cõi hư vô thì mới có thể hiểu được, nhưng cũng có những người cứ mãi cố chấp không chịu nhận ra mà ra đi trong hối tiếc. Cuộc đời chính là như thế, nhận ra được thì sẽ đổi lại được một chút yên bình, thanh thản nơi cõi lòng. Còn không thì sẽ ôm mãi hối tiếc mà rời đi.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Hồng Nhung

Bấm vào để nghe ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Hồng Nhung

 

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Tuấn Ngọc

Bấm vào để nghe ca khúc "Một Cõi Đi Về" Trình bày: Tuấn Ngọc

 

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy

Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa

Từng lời tà dương là lời mộ địa

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

 

 

Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao đi về biển rộng

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.....

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói: “Ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả, nên việc đến và đi tới cuộc đời, rồi trở lại hư vô nó không còn hăm dọa con người, không xa lạ với mọi người”. Đúng là không còn xa lạ với con người nữa. Nhưng không phải ai cũng ngộ ra được và xem “cõi đi về” nhẹ tựa như mây trời giống ông. 

Có lẽ Một Cõi Đi Về chính là một tuyệt phẩm, và cả con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vậy. Khi nghe nhạc của ông tôi chính là cảm nhận như vậy, tôi cảm nhận rằng ông vốn không phải là một người bình thường, ông không sống và sợ hãi những điều bình thường như một người bình thường. Chỉ là ông đang mượn chốn bình thường để sống và khám phá những điều mà ông muốn mà thôi.