Cảm nhận ca khúc "Đưa Em Vào Hạ" (Trầm Tử Thiêng) - Tình yêu quê hương mãnh liệt của người lính _ DXLC

   

Trầm Tử Thiêng là một trong những nhạc sĩ được xem là có viết đa dạng các thể loại nhạc và có sức sáng tác vô cùng mạnh mẽ (cả trước và sau năm 75). Những sáng tác của ông có cả những bản tình ca vô cùng ngọt ngào, những bản nhạc về quê hương, về vận mệnh của đất nước,... và về cả những người lính. Và các thể loại nhạc mà ông sáng tác ấy, mảng nào cũng có những ca khúc nổi tiếng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng của những con người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Và có một ca khúc khá đặc biệt viết về tâm tư của người lính mà tôi rất thích. Đó là bài hát Đưa Em Vào Hạ, bài này được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác vào khoảng năm 1967. Nó là một câu chuyện kể về cuộc hành trình của một người lính, anh đưa người con gái mà mình thương đi “dọc non sông” để cho cô được nhìn ngắm, được biết những điều gì đang thực sự diễn ra trên mảnh đất này.Tôi nói nó là một ca khúc khá đặc biệt, bởi vì nếu để xếp vào đề tài để phân loại thì có thể xếp vào tình ca cũng đúng, tình yêu quê hương đất nước cũng đúng, hay về vận mệnh của nước nhà cũng không sai. Một ca khúc mà gói gọn tất cả những điều tuyệt vời nhất, trong một mùa Hạ tràn ngập màu nắng vàng rực rỡ nhất.

“Mùa hè năm nay em đi đâu ?

Anh sẽ đưa em về với những vùng trời quê – hương để biết yêu, biết buồn, biết sống với những ý – tình đất nước.

Mùa hạ chan – chói nắng vàng

Mùa hạ với những phiên trời trong xanh

Mùa hạ mới một trời phượng đỏ

 Anh sẽ đưa em vào hạ, mở cho em một chân – trời …

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Duy Khánh

Bấm vào để nghe ca khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Duy Khánh

Đưa Em Vào Hạ sẽ gặp gỡ quý bạn yêu nhạc vào Mùa Hè Năm Nay.” Đây là một vài dòng giới thiệu về ca khúc Đưa Em Vào Hạ của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày.

Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá.

Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói.

Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào.

Để bắt đầu cuộc hành trình này “anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày” và đi đến một nơi cách xa nơi phồn hoa nhộn nhịp này mà “ nghe rừng thiêng gọi lá”. Đến nơi đây anh sẽ cho cô thấy được “tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói”. Đó là một nơi chất chứa biết bao nhiêu là niềm đau thương của một cuộc chiến tàn khốc vừa xảy ra. Không chỉ vậy cô còn có thể thấy được cả một niềm thương và sự nhớ nhung tràn ngập cả nơi này với hình ảnh “đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào”. Sự nhớ nhung ấy khiến một đứa bé nhỏ nhoi ,vẫn chưa hiểu hết sự đời, phải tìm đến cả cái nơi tàn khốc này chỉ để được gặp cha mình dù chỉ một phút thôi.

Sau đó, anh sẽ đưa cô đến “những vùng đất lở sông bồi”, nơi đây cô đã từng có những người bạn, nhưng giờ đây mỗi người đã ở một phương trời riêng. Có những người vì “chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ”, cũng có người “từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về”. Cũng là vì hoàn cảnh, vì thời thế loạn lạc chiến tranh nên họ mới phải “người sương người gió” như vậy.

Tìm về xa xôi em sẽ thương những vùng đất lở sông bồi.

Bạn bè em giờ đây người sương người gió.

Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ.

Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về.

 

Quê hương đau nắng Hạ cũng buồn.

Nước sông ngăn đôi sơn hà.

Còn gì em, còn gì đâu!

Mùa Hạ qua mau, đi nữa đi anh chỉ con đường quê hương mịt mùng.

Thương những chiều nắng dọi bờ sông.

Mời quý vị nghe lại liên khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Bảo Yến & Thanh Tuyền

Bấm vào để nghe liên khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Bảo Yến & Thanh Tuyền

Vì giờ đây “quê hương” cũng phải gánh chịu những niềm đau do chiến tranh mang lại. Vì “nước sông ngăn đôi sơn hà” nên giờ có “còn gì em, còn gì đâu”? Những buổi yên bình ngày nào chúng ta cùng ngắm “nắng dọi bờ sông” đã không còn nữa, thứ còn lại duy nhất giờ đây chỉ là những “con đường quê hương mịt mùng”. là tương lai chưa biết sẽ ra sao. Vì thế mà “nắng Hạ cũng buồn” theo niềm đau mà đất nước đang gánh chịu.

Mùa Hè năm nay anh sẽ ru em tròn giấc ngủ trên ngàn.

Em nằm mê mà nghe niềm tâm sự réo.

Trăm họ ước mơ mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm.

Lứa tuổi tròn hai mươi tìm lại những đêm ân tình.

 

Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường.

Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ.

Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước.

Dứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù.

Sau những chặng đường đã qua, “anh sẽ ru em tròn giấc ngủ trên ngàn”. Trên cảnh núi rừng này trong cơn mê ngủ cô gái đã “nghe niềm tâm sự réo”, cô đã nhìn thấu được những khó khăn, những tổn thương mà đất nước và người dân phải gánh chịu. Nên giờ cô cũng biết vì sao cả trăm người đều mơ trăm giấc mộng giống nhau, mơ có được một “mái nhà chiều khơi lửa ấm” - Giấc mơ cảm tưởng như chỉ là một chuyện nhỏ nhoi nhưng lại không thể thực hiện được trong thời điểm đau thương này. Hai mươi tuổi cô đã tìm lại được “những đêm ân tình”.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Huỳnh Phi Tiễn

Bấm vào để nghe ca khúc "Đưa Em Vào Hạ" Trình bày: Huỳnh Phi Tiễn

Rồi sau đó “anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường”, để cho em được “nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ”, để cho em hiểu được ở nơi đây nỗi nhớ sẽ tràn ngập như thế nào nơi cõi lòng anh và cả mọi người. Nơi đây còn cả những nỗi buồn “chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước”, nhưng họ cũng tìm được những niềm vui nơi đây “nơi chiến trường” có cả bạn lẫn thù để xoa dịu đi nỗi niềm thương nhớ về những người thân, người yêu nơi quê nhà từng ngày đang chờ đợi họ.

Thương em đi gót nhẹ chân mềm,

bước trên quê hương điêu tàn.

Lặng nhìn em, bồi hồi thêm!

Dù Hạ qua mau, anh vẫn đưa em cuối con đường quê hương bùn mềm.

Thương những người giết giặc ngày đêm.

Anh cũng vậy, anh thương cô “đi gót nhẹ chân mềm, bước trên quê hương điêu tàn”. Nhìn thấy cô lòng anh càng thêm chan chứa, bồi hồi. Anh tự hứa với lòng mình rằng “dù Hạ qua mau, anh vẫn đưa em cuối con đường quê hương bùn mềm” - hai người sẽ cùng nhau đi hết đoạn đường đời còn lại với một sự trân trọng trong tâm hồn “thương những người giết giặc ngày đêm”.

Chính những con người nơi chiến tuyến “giết giặc ngày đêm” đã, đang và sẽ tìm kiếm lại “những chiều nắng dọi bờ sông” yên bình ngày nào trên quê hương đất nước. Nên chúng ta - những con người đang sống- phải biết trân trọng từng ngày, từng giờ cuộc sống của chính mình. 

Có thể chúng ta, những con người ngày nay đang sống trong hòa bình không bao giờ có thể hiểu hết được những niềm đau thương mà đất nước mình phải chịu đựng trong những ngày chinh chiến đó. Chúng ta như là cô gái “ngây thơ” trong bài hát, nếu như không được chàng trai ấy “đưa vào Hạ” thì sẽ không thể hiểu được hết những điều đó, và cũng không thể trân trọng từng phút giây quý giá mà biết bao con người đã mong ước mà không có được như bây giờ. Nhưng nhờ ngòi bút điêu luyện của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng mà chúng ta cũng đã “sáng mắt ra” được phần nào. Từng ca từ đơn giản mà sâu lắng, chúng ta như đang cùng “anh và em” chu du trên con đường đi tìm những “chân lý” soi sáng tâm hồn mình vậy.